Được biết đến là một điểm đến hàng đầu khi du lịch Đài Loan với cảnh đẹp “ỷ sơn diện hải” (dựa núi trông biển), Jiufen còn là một nơi thỏa mãn cho các tín đồ ăn uống và cũng là nơi thích hợp để bạn nghỉ lại và thử một lần sống chậm. Cùng mình khám phá chuyến đi 2 ngày 1 đêm ăn chơi tại làng cổ Cửu Phần nhé.

Ưu đãi tiết kiệm: giảm giá các dịch vụ du lịch Đài Loan tại Inspitrip
cửu phần
Phố cổ Cửu Phần
Nguồn: @gingerguide

Nội dung

Cho ai chưa biết về Jiufen

Đến với Đài Loan thì phải dạo qua những phố lớn ngõ nhỏ tại các ngôi làng cổ như Jiufen (Cửu Phần) hay Shifen (Thập Phần), check in với những view đẹp hoài cổ và thỏa sức đánh chén tại các thiên đường ẩm thực. 

Jiufen hay làng cổ Cửu Phần là một ngôi làng nhỏ lâu đời nằm trên sườn núi sát bờ biển cực Bắc Đài Loan. Làng vẫn còn lưu giữ lại khá nhiều kiến trúc xưa cũ, và cả phong cách sinh hoạt cũng mang một nét gì đó cách xa với thành thị xô bồ hiện đại. Vì vậy cảm giác đầu tiên của hầu hết mọi người khi đặt chân đến đây là ngạc nhiên thích thú như đang bước vào một thế giới khác.

jiufen về đêm
Phố cổ Jiufen về đêm
Nguồn: @uniladadventure

Gọi là làng như nó không hề nhỏ, tính là cổ nhưng vẫn rất náo nhiệt, đông vui. Đây thực ra giống với một thị trấn nằm bên vách núi hơn với những đường phố nhỏ hẹp, những ngôi nhà bé bé xin xinh san sát nhau và hàng loạt hàng quán mua bán nhộn nhịp.

Với không gian cổ kính, kiến trúc độc đáo, cảnh quan thiên nhiên và những câu chuyện lịch sử, nơi đây sẽ khiến bạn chẳng nỡ rời xa.

Jiufen nằm ở đâu?

Là một danh thắng nổi tiếng nằm ở phía Bắc Đài Loan, bạn có thể dễ dàng đến đây từ Đài Bắc hay Cao Hùng. Cụ thể hơn thì Cửu Phần là một làng thuộc thị trấn Thụy Phương, huyện Đài Bắc, tỉnh Đài Loan. Còn về đường đến nơi đây mình sẽ nói chi tiết hơn ở dưới cho các bạn dễ dàng di chuyển hơn.

Sao lại gọi là Cửu Phần?

Làng cổ Cửu Phần – Jiufen laojie (九分老街) từ cái tên là có thể đoán sơ sơ nó sẽ liên quan đến số 9 rồi nhỉ. Và thật sự là có rất nhiều câu chuyện về con số này. 

Có từ thời nhà Thanh, cái tên Cửu Phần bắt nguồn từ việc thuở sơ khai ở đây chỉ có 9 hộ dân sinh sống. Đến hiện nay, Cửu Phần đã có hơn 900 căn nhà lớn nhỏ mọc lên chủ yếu để phục vụ cho khách du lịch.

Còn có một giai thoại khác đó là mỗi lần dân làng mua hàng ở đây đều sẽ đặt mua chín phần (cửu phần). Vì chỉ có 9 hộ dân ở đây nên người bán lúc nào cũng chia sẵn các mặt hàng thành 9 phần. Nên dần dần người dân gọi theo thói quen là làng Cửu Phần.

Và Cửu Phần trở thành một địa điểm nổi tiếng trong bản đồ du lịch Đài Loan từ những năm 90 của thế kỷ trước.

đường phố jiufen
Đường phố Jiufen
Nguồn: @next.destination.please

Lịch sử của Cửu Phần

Có từ thời nhà Thanh nhưng đến thời Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, nơi đây mới trở nên đông đúc hơn bởi phong trào khai thác vàng năm 1893.

Vào thời chiến tranh thế giới thứ II, dân số nơi đây lại tăng lên hơn khi rất nhiều tù nhân bị đày đến đây để làm công nhân khai thác mỏ. Khi chiến tranh kết thúc, việc đào vàng cũng lắng xuống theo, rồi cuối cùng là biến mất hẳn. Để cho đến ngày nay, ngôi làng đã thành một nơi để du khách nhìn về quá khứ.

Jiufen của ngày nay

Đi đến làng Cửu Phần ngày nay bạn sẽ lạc vào một mê cung của những ngõ nhỏ mang màu sắc văn hóa đặc biệt. Dạo quanh trong làng sẽ là một trải nghiệm thú vị và bình yên.

khung cảnh yên bình
Khung cảnh yên bình nơi đây
Nguồn: @0503_xdxd

Đặc biệt nhắc đến làng cổ Cửu Phần thì ai cũng sẽ nghĩ ngay đến hai bộ phim nổi tiếng City of Sadness và Spirited Away. Hai bộ phim này đã góp phần làm nên sự nổi tiếng cho nơi đây. Đầu tiên là bộ phim Đài Loan Bi tình thành thị (City of Sadness) về chính trị xoay quanh sự kiện 228.

Nhưng nổi tiếng nhất phải là bộ phim hoạt hình Nhật Bản Spirited Away (vùng đất linh hồn) đã lấy Cửu Phần làm cảm hứng để xây dựng và vẽ nên bối cảnh trong phim.

Cũng chính vì thế mà nơi đây đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến từ Nhật Bản và bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu bằng tiếng Nhật tại đây.

Cách di chuyển đến Cửu Phần

Để đi đến Cửu Phần (Jiufen), bạn có thể dùng nhiều phương tiện khác nhau như đi bằng tàu điện ngầm kết hợp với xe buýt,  hoặc đi bằng tàu hỏa kết hợp với xe buýt, thuê xe đưa đón trọn gói, hoặc sang nhất là đi … xe taxi. Nhưng dù đi bằng phương tiện gì thì cuối cùng bạn cũng phải đi bộ lên đây. Vì làng nằm bên sườn núi nên các loại xe thường đỗ lại dưới chân núi để du khách đi bộ vào làng qua một dãy bậc thang lên núi.

bậc thang jiufen
Các bậc thang xuyên suốt Jiufen
Nguồn: @bellaaarce

Thường thì mọi người sẽ chọn đi bằng xe buýt hoặc thuê xe riêng nếu đi đoàn đông. Dưới đây mình sẽ hướng dẫn chi tiết việc đi bằng xe buýt cho các bạn đi tự túc. Đây có lẽ là cách đi tiết kiệm nhất và bạn cũng có dịp để ngắm nhìn cảnh quan trên đường. 

Hiện nay không có xe buýt trực tiếp từ trung tâm thành phố đến Cửu Phần mà bạn phải kết hợp hai loại phương tiện như đi bằng tàu hỏa hoặc tàu điện ngầm sau đó đi xe buýt đến làng. Cụ thể như sau:

Đi bằng tàu hỏa và xe buýt: 

Từ ga chính Đài Bắc –  Taipei Main Station (台北 車站), bạn lên tàu hỏa để đi đến Ga Ruifang (Ruifang Station). Sau khi ra khỏi ga tàu hỏa bạn đi đến đối diện siêu thị Wellcome thì có một lối rẽ trái. Từ đây đi bộ thêm 200m để xuống trạm xe bus tại đường Ming Dong. Bạn cứ đi thẳng trên đường này đến khi thấy đồn cảnh sát là bạn sẽ thấy trạm xe bus tên Local Residents Plaza (區 民 廣場). Tại đây bạn đón xe buýt số 827 và 788 để đi Jiufen. Nhớ là phải bắt xe ở trạm kế bên đồn cảnh sát thì mới đúng hướng đi về Jiufen nhé. Còn trạm ở đối diện là đi hướng ngược lại về Đài Bắc đấy.

  • Giá vé tàu hỏa: khoảng 60 $ NT (45,000 đồng)
  • Thời gian chờ: tàu hỏa từ Taipei Main Station đến Ruifang Station cách 50 phút sẽ có một chuyến. 
  • Thời gian di chuyển bằng xe buýt từ Ruifang đến làng cổ Cửu Phần (Jiufen): khoảng 15 phút.
  • Giá vé xe buýt chỉ khoảng 20 $ NT (khoảng 15 ngàn đồng).
Vé THSR – Tàu lửa siêu tốc 1 chiều giữa Taipei và các vùng khác

Đi bằng tàu điện ngầm và xe buýt:

Từ Đài Bắc, bạn đi tàu điện ngầm MRT Blue line Bannan đến trạm Zhongxiao Fuxing – nơi cắt giữa hai tuyến tàu điện ngầm Nâu (Brown) và xanh (Blue). Sau đó bạn ra tại cổng Exit 2 và đi bộ khoảng 2 phút đến trạm xe bus bên ngoài cửa hàng Sogo. Tại đây bạn đi xe buýt 1062 (Keelung Bus) đến Cửu Phần. Thời gian di chuyển là khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi và giá vé là 102 $NT (76,000vnd).

Sau khi đi xe buýt thì bạn sẽ xuống xe ở trạm gần 7-Eleven rồi đi bộ lên những bậc thang để vào làng cổ Cửu Phần. Cửa hàng 7-Eleven ở đây có lẽ là cửa hàng nổi tiếng nhất trong toàn hệ thống cửa hàng tiện lợi. Vì khi chỉ đường, người dân thường lấy đây làm cột mốc để chỉ.

Đi bằng xe buýt riêng từ Ximending đến Jiufen:

Nếu các cách trên quá phức tạp để nhớ và phải đi bộ khá xa thì bạn có thể chọn dịch vụ xe buýt đưa đón từ Ximen (Đài Bắc) đến Cửu Phần (Jiufen) sau đó đến phố cổ Thập Phần – Shifen Old Streets. Xe sẽ đón bạn vào buổi sáng và trả khách lúc chiều tối.

Chơi gì nơi đây

Sau khi hiểu về Jiufen cũng như biết đường để đi đến đây rồi thì giờ là thời gian để khám phá làng cổ đây. Đến đây tất nhiên là sẽ dạo quanh các đường phố hẻm nhỏ và ghé các hàng quán trên đường. Nhưng đừng nghĩ là bạn sẽ chỉ phải đi loanh quanh lẩn quẩn không mục đích nhé. Mà sẽ có hẳn một check list những nơi phải ghé thăm tại Jiufen. Một chuyến đi lí tưởng là 2 ngày 1 đêm với hành trình cụ thể như sau: ban ngày dạo quanh các con đường trong phố cổ Jishan, tham quan chùa chiền, bảo tàng, chiều đến khám phá thiên đường ẩm thực, tối thưởng trà và ngày hôm sau leo núi Jilong.

Các con đường và hàng quán trong Phố cổ Jishan

Con đường chính mà nhiều người check in nhất ở Cửu Phần tên là Thụ Kỳ Lộ. Đường này khá hẹp với bề ngang chỉ khoảng 2 mét. Gọi là con đường thẳng đứng vì nó là một dãy các bậc thang dẫn lên cao bằng đá granit. Thụ Kỳ Lộ là đường chính vì nó chạy xuyên suốt khắp thị trấn, từ dưới lên trên, và men theo sườn núi.

thụ kỳ lộ
Con đường Thụ Kỳ Lộ cùng nhiều hàng quán
Nguồn: @sae_romi

Hai bên đường là các hàng quán, nhà cửa be bé san sát nhau. Ở đây không có vỉa hè cũng không có sân trước nhà vì các ngôi nhà khá bé. Nhưng các ngôi nhà này nhỏ nhưng có võ vì để chống chọi với gió biển và các đợt mưa bão, nhà nào cũng được xây bằng đá và gạch rất vững chắc, mái được lợp hai tầng mang nét cổ xưa. Đặc biệt, bên trên mái thường được sơn một loại dầu thảo mộc có màu đen như hắc ín, dùng để chống thấm khiến ngôi làng được phủ thêm một màu huyền bí và hoài cổ.

tầng lớp mái nhà
Tầng tầng lớp lớp mái nhà
Nguồn: @seamonster.dna

Khi đi qua từng bậc thang và nhìn lại phía sau, bạn sẽ thấy tầng tầng lớp lớp mái nhà màu đen hiện ra rất độc đáo. 

Xen lẫn giữa các ngôi nhà mang đậm nét Trung Hoa là một số ngôi nhà theo lối kiến trúc Nhật với những cánh cửa kéo và sàn nhà bằng gỗ. Vì nơi đây từng là thuộc địa của Nhật trong 50 năm.

Cắt ngang Thụ Kỳ Lộ là hai con đường song song tên Khinh Tiên Lộ và Cổ Sơn Nhai. Và trên hai con đường này là vô số trà quán, tiệm bánh, nhà ăn, rạp hát, bảo tàng, phòng triển lãm nghệ thuật dân gian, chùa chiền và miếu thờ thành hoàng. 

chùa chiền tại jiufen
Chùa chiền tại Jiufen
Nguồn: @dancaisido

Như đã nói từ đầu thì hai thứ nổi tiếng nhất của Jiufen là kiến trúc cổ và thiên đường ăn vặt. Thì men theo các con đường này là bạn sẽ được trải nghiệm đầy đủ hai điều trên. 

Núi Jilong

Nếu không thích khung cảnh nhộn nhịp thì bạn có thể leo lên Núi Bình Trà Vô Nhĩ để vừa thưởng trà vừa lắng lại và ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh núi non Jiufen hùng vĩ trong tầm mắt.

núi jilong
Núi Jilong
Nguồn: @jane_gaoya

Từ xa đã thấy được ngọn núi khổng lồ màu xanh ngọc vươn lên sừng sững giữa biển khơi. Chỉ cao có 588m, Jilongshan không phải là một thử thách với các nhà leo núi chuyên nghiệp. Nhưng ngọn núi này lại vô cùng dốc nên leo lên đỉnh núi sẽ mất ít nhất tầm 40 phút. Nhưng bạn sẽ được đền bù hoàn toàn xứng đáng.

Jiufen nói nhỏ không nhỏ nhưng nói lớn thì chỉ với nửa ngày đi dạo là đã hết trấn. Vì thế, bạn cũng có thể dành thời gian buổi sáng để leo núi Jilong, hay còn gọi là Big-Belly Beauty Mountain, để ngắm nhìn toàn bộ thị trấn, núi non và biển cả. Vào những ngày trời trong, bạn thậm chí có thể nhìn thấy cả Tháp Taipei 101.

Vé Tham quan Đài Quan Sát Tháp Taipei 101

Chùa Fushan

Ngôi chùa là nơi thờ Thổ Địa với các nét văn hóa giao hòa giữa Nhật – Trung – Tây. Ở bên ngoài chùa là hai miếu thờ lâu đời, thu hút nhiều người ghé tới thăm. Kiến trúc bên trong có điểm đặc biệt là không dùng đinh chỉ là sự kết hợp hoàn mỹ giữa các cột kèo trông đẹp vô cùng. Chùa Fushan lại mang chút hơi thở phương Tây với các cột đá được chạm khắc tinh xảo và những bản lề có hình thiên thần trong văn hóa châu Âu.

chùa fushan
Chùa Fushan
Nguồn: @peachekl

Thổ Địa là một vị tiểu thần nhưng nơi đâu cũng phải có miếu thổ địa đặc biệt là một vùng đất từng là mỏ khai khoáng. Vì vậy nơi đây từng là một nơi quan trọng tại Jiufen. 

Ngôi chùa này cũng đã có thâm niên hơn 280 năm tuổi. Nên chính quyền địa phương đã nghĩ đến việc trùng tu và mở rộng chùa. Nhưng sợ ảnh hưởng đến phong thủy và thần linh nơi đây, nên Fushan được xây thêm một ngôi chùa mới to hơn bên ngoài chùa cũ. Vì vậy, chùa Fushan còn được gọi là “Chùa nằm trong chùa”. 

Bảo tàng diều Jiufen

Bảo tàng là nơi trưng bày bộ sưu tập diều tư nhân. Từ những con diều hình bướm nhỏ xinh cho đến những con diều phượng hoàng dài đến 3m và tất cả đều có thể bay được. Một vài con diều được lắp thêm cả nhạc cụ để có thể phát ra âm thanh trên không trung.

Ăn gì ở Jiufen

Không thể tách rời việc ăn chơi tại đây. Vì khi dạo quanh các cung đường phố cổ bạn đã không thể cầm lòng trước các hàng quán lớn nhỏ. Được mệnh danh là thiên đường ẩm thực, Cửu Phần có một thực đơn phong phú gồm nhiều đặc sản. Hấp dẫn nhất là các loại bánh chế biến từ khoai môn hay khoai sọ với hương vị rất đặc biệt, nổi tiếng khắp Đài Loan. 

Có quán ăn lấy luôn tên Bi tình thành thị đặt cho cửa hàng của mình. Nhưng đừng chỉ mải mê ăn các món ngọt mà quên mất mì bò viên, disum, bánh bao, sủi cảo, kẹo đường hương việt quất, xúc xích nướng, v.v… Nghe thôi đã thèm rồi! Đặc biệt là hãy ăn thử chè cổ truyền Đài Loan và đậu hũ thối.

kẹo đường hương việt quất
Kẹo đường hương việt quất
Nguồn: @thenomadqueen

Nếu bạn khá kén ăn thì cũng đừng lo vì trước mỗi hàng bánh đều có bánh cắt nhỏ ra cho du khách ăn thử trước khi mua. Sau khi nếm qua vô số món thì làm một ấm trà Ô Long tại các trà quán nổi tiếng thì không còn gì bằng. Và nói đến quán trà thì không thể bỏ qua địa điểm sống ảo hot nhất Jiufen là Amei Tea House – nơi từng quay phim On Air.

Một số món đặc biệt nên ăn khi ghé Jiufen:

Viên Khoai Môn của Bà Lai

Taro Ball chắc chắn là món nổi tiếng nhất tại đây. Nhưng đây không phải là bánh đâu nhé mà là chè. Để ăn món này, hãy đến Quán Grandma Lai’s Taro Balls (nguyên văn tiếng việt là Quán chè viên khoai môn của Bà Lai) trên phố cổ Jishan. Quán trang trí theo  phong cách xưa cũ và chuyên phục vụ những món handmade nhỏ xinh, tinh tế. Các viên chè khoai được làm từ những củ khoai môn tươi, sau đó hầm chín, xay nát như bột rồi trộn chung với bột khoai tây và cắt nhỏ thành từng viên vừa ăn với nhiều màu sắc vui mắt như vàng, tím, trắng. Những viên khoai sẽ được thêm khá nhiều vị khác nhau như vị Truyền thống, Trà xanh và Mè đen ăn rất thú vị.

taroball
Taroball
Nguồn: @jasminesora

Kem cuộn đậu phộng A-Zhu

Kem cuộn đậu phộng đơn giản như tên là 2 viên kem khoai môn, rắc thêm kẹo đậu phộng, mạch nha và được cuộn lại rất hấp dẫn. Đây là món ăn vặt đường phố vừa rẻ vừa ngon và cực hợp cho những chuyến đi hè.

kem cuộn đậu phộng
Kem cuộn đậu phộng
Nguồn: @theskypassport

Trà quán Amei

Quán trà Amei gần như là biểu tượng của Jiufen khi ai cũng cố gắng chụp một tấm hình check in tại đây khi đến Cửu Phần. Nhưng đa số cũng không đến quán mà chụp từ xa để có được toàn cảnh quán từ phía bên kia Thụ Kỳ Lộ. 

Amei Tea House
Phía trước Amei Tea House
Nguồn: @iamrache22

Mặc dù các hàng quán đóng cửa hơi sớm nhưng các quán trà ở đây lại mở cửa đến khuya. Rất phù hợp cho những ai muốn ngồi trên ban công hưởng chút gió đêm nhìn về vùng biển xa xôi vô tận bên cốc trà ấm. 

amei tea house
Nhâm nhi ly trà bên ban công
Nguồn: @ameiteahouse

Amei tea house mang đậm phong cách Nhật, từ tên quán theo tiếng Nhật, viết bằng chữ Nhật. Quán nổi bật với những hàng đèn lồng đỏ và các khung cửa sổ rực rỡ khi đêm về.

Amei Tea House
Amei Tea House
Nguồn: @onesmallrat

Quán mỳ Việt Nam

Ở đây có cả một quán ăn do người Việt Nam mình mở bán. Ai muốn ủng hộ nước nhà cũng có thể ghé ăn và món cũng rất ngon. Đó là món mỳ hoành tráng nấu bởi 3 cô gái Việt Nam đơn giản nhưng tinh tế.

quán ăn việt nam tại jiufen
Quán mỳ của người Việt tại Jiufen
Nguồn: @vinhgau

Qua đêm tại Jiufen

Chỗ ở tại JiuFen đa phần là homestay hoặc bed & breakfast. Ít khách sạn quy mô tại đây vì du khách thường không ở lại qua đêm. Nhưng dành cả một ngày sống chậm tại đây với ban ngày trên núi Jilongshan, buổi chiều rong ruổi hàng quán, đêm về thanh tịnh trong trà quán thì một đêm ngủ lại đây cũng không tồi. Sẽ là một hối tiếc khi không ở lại qua đêm vì Jiufen đẹp nhất về đêm. 

Lưu ý khi tham quan

  • Bạn có thể đến đây bất cứ lúc nào nhưng tốt nhất nên đi vào các ngày trong tuần để tránh đông đúc. 
  • Vào cuối tuần thì du khách đông nên có thể sẽ hết chỗ ngồi trên các phương tiện di chuyển đến Jiufen, do đó nên tránh đi Cửu Phần vào cuối tuần hoặc nếu đi thứ 7, chủ nhật thì phải đi thật sớm.
  • Hàng quán ở đây đóng cửa rất sớm, 6 – 7 giờ tối đã dẹp rồi ạ, vì đó cũng là giờ của những chuyến xe buýt cuối cùng về lại Đài Bắc nên nếu muốn ăn phải đi sớm một tí nhé.
  • Bạn cũng có thể sắp xếp đi khám phá Cửu Phần, Thập Phần và Dã Liễu chung một ngày cho tiện chuyến đường và tiết kiệm.