Đài Loan nổi lên như một trường hợp đặc biệt. Cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021, dịch bệnh có lúc tưởng như bùng phát mạnh, vượt mức hơn 600 ca nhiễm mới, và hơn 20 người chết mỗi ngày. Rút cục đợt dịch lắng hẳn xuống, Đài Loan khống chế thành công đợt dịch đầu hè. Tình hình trái ngược tại Việt Nam, vốn cũng được coi là một thành công trong chống dịch từ hơn một năm nay. Mùa hè 2021, Việt Nam đã phải phong tỏa nhiều thành phố, giới nghiêm buổi tối tại tâm dịch Sài Gòn, hạn chế tối đa việc di chuyển giữa các tỉnh « vùng dịch » và nơi khác, trong lúc dịch bệnh vẫn không ngừng gia tăng.
Vì sao Đài Loan lại tương đối thành công trong việc khống chế đợt dịch đầu hè ? Sau đây là phần tổng hợp một số nhận định của chuyên gia, chính trị gia Đài Loan trên trang mạng The Diplomat.
***
1/ Tình hình dịch bệnh và phòng dịch tại Đài Loan hiện nay cụ thể ra sao ?
Trung tuần tháng 7, mỗi ngày Đài Loan có thêm trung bình 18 ca nhiễm mới (so với 600 vào thời điểm đỉnh dịch cuối tháng 5). Mà một nửa số ca nhiễm mới là được phát hiện ở những người đã được cách ly trước đó, do có tiếp xúc với người nhiễm virus. Theo trang mạng Taiwan Info, ngày 23/07/2021, trong bối cảnh sáng sủa này, chính phủ Đài Loan đã thông báo hạ mức báo động dịch từ cấp 3 xuống cấp 2, trong thời gian từ ngày 27/07 đến ngày 09/08.
Báo động cấp 4 là mức cao nhất trong hệ thống báo động y tế Đài Loan. Hòn đảo được đặt ở mức cấp 3 kể từ giữa tháng 5, vào lúc đầu dịch. Một số quy định đã được giảm nhẹ từ ngày 13/07, nhưng việc tập hợp hơn 9 người ở bên ngoài, và hơn 4 người ở trong nhà tiếp tục bị cấm (không kể số lượng người trong cùng một gia đình có thể đông hơn số quy định 4 người này) ...
Với việc hạ cấp báo động từ cấp 3 xuống cấp 2, kể từ giờ các cuộc tập hợp tối đa 50 người trong nhà và 100 người ở ngoài trời đã được phép, với điều kiện tôn trọng các biện pháp giãn cách, mang khẩu trang và khai báo thông tin để cho phép truy xuất các tiếp xúc có nguy cơ gây lây nhiễm. Cửa hiệu, quán ăn được phép mở lại các dịch vụ trong nhà. Các lớp học buổi tối, nhà trẻ, cơ sở mát-xa, làm đẹp, hay một số hoạt động thể thao trong nhà được phép hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, Đài Loan vẫn hết sức cảnh giác. Trong bối cảnh báo động hạ xuống cấp 2, hàng loạt biện pháp vẫn được áp dụng như mang khẩu trang khi ra ngoài nhà (trừ lúc ăn hay uống). Cùng lúc với việc duy trì cảnh giác với việc áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, chính phủ Đài Loan cũng đẩy mạnh tiêm chủng. Từ chỗ mới có khoảng 1% dân số đã tiêm chủng ít nhất một liều trước khi đợt dịch bùng phát cuối tháng 5. Con số này là 35% ngày 02/08.
2/ Có thể rút ra những bài học nào từ thành công của Đài Loan ?
Nhà sử học Wayne Soon, một chuyên gia về y tế Đài Loan, giảng viên đại học Vassar (New York), trong bài phân tích trên The Diplomat, rút ra năm yếu tố cho phép Đài Loan gặt hái được thành công vừa qua (« Why Taiwan Is Beating COVID-19 – Again ? How did Taiwan suppress this wave, even as Australia, Vietnam, and Singapore are struggling with an uptick of the virus ? », 29/07/2021).
Thứ nhất là việc chính quyền Đài Loan tiếp tục áp dụng và mở rộng các biện pháp phòng dịch đã có. Việc mang khẩu trang trước đó chỉ được đòi hỏi trong các phương tiện giao thông công cộng hay những nơi công cộng trong nhà, nay áp dụng với mọi di chuyển bên ngoài nhà. Mở rộng việc cách ly tại các khách sạn hay cơ sở do chính quyền cung cấp không chỉ với người nhập cảnh, mà còn cho cả những ai xét nghiệm dương tính. Để phục vụ cho việc truy vết, nhưng không xâm phạm các quyền tự do của công dân, các nhân viên làm công việc truy vết dựa rất nhiều vào các dữ liệu của các dịch vụ, các doanh nghiệp dựa trên thông tin mà đương sự tình nguyện cung cấp. Mang khẩu trang, cách ly, truy vết bài bản hợp lý, là nhóm biện pháp đầu tiên cho phép thành công.
Yếu tố thứ hai là chính quyền Đài Loan sẵn sàng lắng nghe các phê phán và điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch. Một ví dụ là việc tập trung ăn uống, đông người trong không gian kín, được coi là một nguồn lây nhiễm chủ yếu. Chính quyền tại một số địa phương Đài Loan, như ở thành phố cảng Cao Hùng, đã áp dụng chính sách này đầu tiên. Kinh nghiệm nói trên đã mở đường cho nhiều địa phương khác áp dụng.
Yếu tố quan trọng thứ ba, theo chuyên gia Wayne Soon, là người dân Đài Loan đã rất tích cực trong việc buộc các chính trị gia phải đối diện với trách nhiệm của mình trong việc đối phó thành công hay không với dịch bệnh. Thị trưởng Đài Bắc, ông Kha Văn Triết (Ko Wen-Je) đã bị chỉ trích dữ dội trên truyền thông, từ phía giới chính trị, cử tri, do đã không thiết lập một hệ thống phân phối vac-xin, tổ chức tiêm chủng phù hợp, cũng như chối bỏ trách nhiệm trong việc để dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng. Tỉ lệ ủng hộ đối với thị trưởng Đài Bắc sụt đến 7% trong vòng một tháng (từ tháng 6 đến tháng 7/2021), mức sụt giảm mạnh nhất trong các thị trưởng. Áp lực chỉ trích sau đó đã buộc thị trưởng Đài Bắc phải nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế bên ngoài.
Chuyên gia Wayne Soon cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của truyền thông, như một phương tiện giáo dục căn bản với đại chúng. Chỉ trừ một vài đài báo tuyên truyền cho thái độ ngờ vực vac-xin, đại đa số truyền thông Đài Loan – bất kể theo xu hướng chính trị nào – đã thi đua trong việc truyền thụ các kiến thức phòng dịch cần thiết, như mang khẩu trang, giãn cách.
Yếu tố quan trọng thứ năm được lưu ý là, gieo nhân nào gặt quả ấy. Việc Đài Loan đã có những hành động hỗ trợ kịp thời nhiều nước vào đầu dịch năm ngoái, với tổng cộng hơn 51 triệu khẩu trang biếu tặng. Đổi lại, ngay khi gặp khó, chính quyền Đài Loan đã được nhiều nước hỗ trợ mạnh về vac-xin, đặc biệt là từ Nhật Bản, Hoa Kỳ.
3/ Trong thành công này của Đài Loan, dường như vai trò của chính quyền địa phương là rất căn bản ?
Mạng The Diplomat có bài nhận định của một giới chức chính quyền địa phương Đài Loan về vấn đề này. Bà Nhiêu Khánh Ngọc (Ching-yu Yao) trong bài « How Taiwan’s Mayors Helped Lead the Fight Against COVID-19 » (the Diplomat, 29/07/2021), giới thiệu kinh nghiệm của thành phố Tân Đài Bắc (giáp với thủ đô Đài Bắc), nơi bà làm chánh văn phòng thành phố. Vùng đô thị với khoảng 4 triệu cư dân này – nằm giữa sân bay quốc tế Đài Bắc và thủ đô - đã từng là tâm dịch hồi tháng 5/2021.
Thị trưởng Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), nguyên làm việc trong ngành an ninh, đã có một loạt quyết định khẩn cấp. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế hàng đầu, thị trưởng Tân Đài Bắc đã có quyết định táo bạo, như triển khai xét nghiệm nhanh, miễn phí cho tất cả những ai có nhu cầu. Chính sách truy vết phù hợp, xét nghiệm rộng rãi, thuận tiện, và đặc biệt là sự hỗ trợ thích đáng về sinh kế đối với những người dân có thu nhập thấp, đã giúp Tân Đài Bắc chặn đứng được dịch, cho dù tỉ lệ tiêm chủng tại địa phương này còn rất thấp. Những biện pháp của thị trưởng Hầu Hữu Nghị, như tiến hành các xét nghiệm nhanh miễn phí, cho đông đảo dân cư có nhu cầu, thoạt tiên bị chỉ trích trên truyền thông, cũng như không được sự ủng hộ của chính quyền trung ương, rút cục đã mang lại kết quả.
Đại dịch Covid-19 còn đầy bí ẩn. Việc dịch bệnh tiếp tục bùng phát tại nhiều quốc gia mà một bộ phận lớn dân cư đã tiêm chủng là một ví dụ. Giới chuyên gia cũng không loại trừ một số biến thể của virus SARS-CoV-2 trong tương lai sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Dù sao, theo nhà sử học Wayne Soon, các chuyên gia y tế quốc tế có thể nhìn nhận trường hợp của Đài Loan, như một kinh nghiệm thành công, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa không những không gây tổn hại nhiều đến các quyền tự do căn bản của người dân, mà còn dựa vào chính các hợp tác tích cực, các phản biện từ phía xã hội dân sự để đưa ra các đối sách uyển chuyển, phù hợp, hiệu quả. Dựa vào sức mạnh địa phương, sự hợp tác quốc tế, sự tham gia tích cực, chủ động của người dân có thể coi là bí quyết căn bản của thành công Đài Loan trong những tháng qua.